Rác thải – chuyện tưởng nhỏ mà to

Một mẩu giấy gói kẹo nhỏ xíu, nhưng để có thói quen bỏ nó vào đúng nơi đúng chỗ là một câu chuyện giáo dục kiên trì 8 năm trời… Vì vậy, đừng xem chuyện rác là nhỏ, dù nó nhỏ thật

Chuyện thứ nhất: 8 năm rèn một thói quen

Tôi có anh bạn làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản. Công việc của anh là đeo bám một nhóm trẻ ở phường Phú Bình (Huế), với mục tiêu giáo dục cho các em những vấn đề về môi trường. Nhóm trẻ này là con em của những gia đình vốn là dân xóm vạn đò, rất nghèo.

Có một lần, anh bạn dẫn nhóm trẻ này vào TP.HCM để giao lưu với một nhóm trẻ ở quận 2. Tôi có dịp tiếp xúc với các bạn nhỏ đến từ Huế này. Tôi mua một bịch kẹo để tiếp đón các em. Thật thú vị khi thấy các em sau khi bỏ kẹo vào miệng thì đều nhìn quanh quất tìm thùng rác để bỏ giấy gói viên kẹo. Không thấy thùng rác nào trong tầm mắt, thế là các bạn nhỏ bèn xếp mẩu giấy gói kẹo ấy lại và đút vào túi quần!

Tôi thật sự ấn tượng với hành vi này của các bạn nhỏ. Anh bạn tôi nheo mắt cười bảo: “Tôi mất 8 năm trời mới giúp các bạn ấy hình thành được thói quen bỏ rác vào đúng nơi đúng chỗ”.

Chuyện thứ hai: Quân pháp bất vị thân

Cũng anh bạn làm việc cho tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản nêu trên cho biết người khai sinh ra tổ chức này – nay ông đã mất – kể rằng trước năm 1958, nước Nhật cũng không được chỉn chu như bây giờ. Tuy nhiên, để tạo nên một hình ảnh đẹp nhằm chuẩn bị tổ chức Asiad 1958, rồi cả Olympic 1964, việc xử lý những thói quen không hay đã được làm quyết liệt. Trong đó, việc xả rác bừa bãi bị xử lý rất nghiêm và không thể có một nhân nhượng nào, cho dù đó là ai.

Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến Singapore, một quốc gia nổi tiếng sạch sẽ, ngăn nắp bậc nhất thế giới. Họ tạo nên được những hình ảnh đẹp cũng là nhờ vào việc xử lý mọi hành vi làm tổn hại đến cảnh quan, môi trường một cách cứng rắn và thật sự là “quân pháp bất vị thân”.

Chúng ta ai cũng biết khi đến Singapore luôn được các công ty du lịch nhắc nhở rằng sang đấy mà xả rác bừa bãi, vứt tàn thuốc lung tung là bị phạt tới nơi tới chốn, bất kể đó là ai. Và mức phạt thì rất nặng, lên đến cả ngàn đôla Singapore (khoảng 17 triệu đồng) cho hành vi xả rác lung tung.

Nếu Việt Nam chúng ta làm được như thế, không chấp nhận bất cứ “quyền trợ giúp” nào đối với người vi phạm, đồng thời những trường hợp phạt các nhân vật vi phạm thuộc hàng vai vế trong xã hội được công khai trên các phương tiện truyền thông thì ắt sẽ hiệu quả.

Tuy nhiên, đây là chuyện tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ chút nào trong một xã hội “duy tình” như chúng ta!

Chuyện thứ ba: Minh bạch phí rác thải

Mỗi tháng một hộ dân bình thường đóng 40.000 đồng cho dịch vụ thu gom rác. Số tiền này là không lớn nếu chúng ta so với mức phí gấp đôi, thậm chí hơn gấp đôi ở các khu dân cư cao cấp. Vì vậy, khi đặt câu hỏi tại sao các khu dân cư cao cấp lại sạch sẽ hơn những nơi khác thì yếu tố chênh lệch phí dịch vụ đổ rác là một câu trả lời.

Có điều, với mức 40.000 đồng/tháng mà mỗi hộ dân đang chi trả, liệu bao nhiêu phần trăm trong số đó đến tay người đổ rác? Tôi đã hỏi anh chàng đi thu gom rác nơi mình ở, và anh than thở: “Chả bao nhiêu đâu chú ơi. Tụi con sống chủ yếu bằng việc bán ve chai nhặt nhạnh trong rác”.

Chúng ta đã nghe râm ran rất nhiều về chuyện dịch vụ rác thải là một thế giới ngầm khó nắm bắt được ngọn ngành của nó. Vì vậy, một khi đời sống người làm nghề thu gom rác còn quá khó thì đừng trách vì sao họ đi thu gom bữa đực bữa cái!

                                                                                                                                          Theo Nguyễn Đước

Chia sẻ:
WordPress Image Lightbox Plugin