TP HCM cần 29.000 tỷ đồng để xử lý chất thải rắn

Trong 5 năm tới, TP HCM cần gần 29.000 tỷ đồng để xử lý chất thải rắn với mục tiêu 80% rác sinh hoạt được tái chế.

Đề án quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050 vừa được Sở Tài nguyên Môi trường gửi UBND TP HCM, nhằm thúc đẩy quản lý việc phân loại, thu gom, tái chế chất thải rắn ở thành phố. Đề án nếu được thông qua sẽ gửi lên Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt.

Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2020 – 2025 dự tính gần 29.000 tỷ đồng, từ nhiều nguồn như ngân sách, ODA, xã hội hóa, doanh nghiệp…

Trong đó, khoảng 14.500 tỷ đồng dùng cho chuyển đổi công nghệ, 5.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy xử lý; 3.000 tỷ đồng xây các trạm trung chuyển; 1.200 tỷ đồng làm điểm tập kết dọc đường; 500 tỷ đồng sắp xếp lực lượng thu gom dân lập…

Sở Tài nguyên Môi trường đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ chất thải công nghiệp, y tế ở thành phố được thu gom và xử lý; 90% chất thải xây dựng được xử lý, trong đó 60% được tái chế. Đến năm 2023, 60% hộ gia đình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, tỷ lệ này tăng dần vào các năm sau.

Hiện, mỗi ngày TP HCM thải ra khoảng 9.300 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm tăng 10%. Hồi tháng 2, UBND TP HCM thông qua điều chỉnh phân loại rác tại nguồn từ ba nhóm (hữu cơ, vô cơ, tái chế) thành hai nhóm (tái chế, rác thải còn lại). Việc thay đổi nhằm phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện mà thành phố đang thực hiện, giảm tỷ lệ chôn lấp.

Chia sẻ:
WordPress Image Lightbox Plugin